Saturday, July 28, 2018

Lớp học đầu tiên


Thành phố Qui Nhơn vào thứ Hai, 03 tháng 9 năm 1962 (*) khá rộn ràng nơi đường Nguyễn Huệ ven biển, từ bùng binh Lê Lợi tới quá phi trường thẳng vào Ghềnh Ráng.Con đường tráng nhựa đá xanh lởm chởm phủ đầy cát đưa hàng trăm chiếc xe đạp lăn bánh vào hai ngôi trường mới toanh, Trường Sư Phạm và Trường Kỹ Thuật. Năm học thứ nhất của Khóa 1 Sư Phạm với những vị giáo sinh đạo mạo, thanh nhã, tràn đầy tâm huyết trên đường phục vụ cộng đồng, kiến thiết quê hương. Theo đó, các lớp học đầu đời bậc trung học của những học sinh Kỹ Thuật cũng hăm hở thực hiện lắm ước mơ xa, chứa đựng nhiều tình cảnh vui buồn.Thời vàng son của lứa tuổi học trò tính từ kỳ thi tuyển ngày 15 và 16 tháng 6, 1962 cùng ngày với bên phổ thông (thi vào Trường Cường Để). Trường Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn nhận 160 nam sinh và 40 người dự khuyết trong khoảng 1.000 thí sinh ngồi chật cả 4 trung tâm Ấu Triệu, Đào Duy Từ, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn Huệ. Thế có nghĩa là sàng lọc từ những mầm non Tiểu học của Bình Định và những lớp Thất, Lục, của các trường Trung học đó đây ngoại trừ Trinh Vương Tư thục. Cùng đến để ngắm sóng biển, nghe thông reo, cọc cạch bên chiếc bàn thợ, làm quen viết chì BB số 1 số 3, khổ giấy A4V hay A3H. Đường lên mộ Hàn Mặc Tử hoặc Suối Tiên trở nên vui vẻ và tấp nập hơn xưa.

Niên khóa 1962 - 63 có 4 lớp Ban hướng nghiệp mang tên Đệ Thấl A, B, C, D. Trường trang bị nhiều học cụ máy móc lạ từ Phòng tới Xưởng, thầy giáo phần lớn đến từ Saigon, bè bạn chẳng ai mặc chiếc áo dài trắng nào. Kỹ Thuật Qui Nhơn lúc bấy giờ không có bảng hiệu, trống vẳng, chơi vơi giữa bãi cát vàng với hằng trăm cây dương liễu mọc chưa quá đầu người. Đã có “những bàn tay dựng xây đời mới“ như câu hát trong bản nhạc hành khúc do GS Dương Minh Ninh viết, để học hành và vui chơi. Suối năm đầu họ đã dự lễ khánh thành, diễn hành quốc khánh, văn nghệ mừng xuân, cắm trại liên hoạn triển lãm công kỹ nghệ, và tham gia việc chỉnh trang thành phố vào những tháng ngày trước chính biến 1963.

Với 38 giờ học mỗi tuần, học sinh còn bỏ thêm 5 tiếng nữa để sinh hoạt học đường (dọn vệ sinh, trực gác, liên lạc, cào cát, trồng cây và tưới nuớc). Những tên tuổi khó quên phải kể đến Trần Sanh, Đoàn Văn Nghệ, Lương Kính Hòa, Trần Binh Trọng, Văn Y. Cậu Khúc Cao Sơn con thầy hiệu trưởng đi bộ 200m, còn cậu Nguyễn Thanh Long con Trung Tá Tỉnh Trưởng BĐ thì ngồi xe hơi có cận vệ kèm theo. Mỗi lớp khoảng 45, chia thành 4 toán, bao gồm một xóm nhà lá quen thuộc với dân chơi ngoài phố nhưng trong trường thì hiền khô. Sau giờ tan học, bà con thường được xem mội cuộc so tài quyền cước của hai “con gà” Nguyễn Văn Lý và Diệp Bảo Hòa một cách công khai theo đúng quy luật thế thao.

Vài năm đầu Hiệu trưởng là Giáo sư Khúc Văn Mai. Người thân quen thứ nhất đối với học sinh là thầy Giám thị Phạm Quang Khiết. Kế đến là quý thầy Trực (Mộc), Huỳnh Văn Thắm (Gò hàn) Lê Cạnh (Rèn) Tôn Thất Tuân (Pháp văn), Lê Thanh Thúy, Ms. Madelaine (Anh văn), Vĩnh Định, Lê Phước Á (Toán), Đặng Minh Phú (Lý Hóa), thầy Hưởng (Kỹ nghệ họa), Trần Quốc Anh, Đào Đức Chuơng, Nguyễn Hữu Thời (Việt văn), Nguyễn Đăng Tạo (Thể dục). Bác Cai lo chạy máy điện, kiêm luôn tài xế chiếc xe be, chuyên chở đủ thứ kể cả phụ huynh học sinh khi có lễ lạc hội họp. Không có cô giáo Việt nào trước khi thấp thoáng vài cành mai như Vân Nga, Hồng Vân và Tố Nga về sau.

Quần xanh áo trắng, bảng tên thêu với dòng trên là Trụờng Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn màu xanh, dòng dưới là Trần Bích Sơn… màu đỏ chính giữa là một ngôi sao đỏ như Đệ Tam Cường Để. Hôm nào học Xưởng thì quần áo kaki xanh đậm, nón lưỡi trai, bảng tên trắng may dính vào túi áo, từ đó học sinh KTQN được thiên hạ gọi là Dân vệ (lính chiến đấu tại các xã ấp, sau này gọi là Nghĩa Quân). Thuở ấy, các em Kỹ Thuật thỉnh thoảng được phép ghé sang bên Sư Phạm ăn chè, uống nước, ngắm quý thầy, chào hỏi quý cô, vài ba năm cho đến khi học bài…”viễn cận” - tuy xa mà gần, tuy gần hóa xa - trong môn Mỹ thuật họa do Gs Bùi Thường chỉ dạy.

Biệt lập với thị xã, xài chung điện từ bên Áo Xanh, Sư Phạm và Kỹ Thuật cùng tổ chúc chung một Lễ khánh thành hôm Thứ Tư, 3 tháng 10 năm 1962. Các vị Đại diện Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bộ Trưởng Bộ Quốc gía Giáo dục Nguyễn Quang Trình đọc diễn văn tại Giảng đường bên Sư Phạm, nhưng buổi tối lữa trại, văn nghệ ngoài trời bên Kỹ Thuật thì quý vị giáo sinh vắng bóng không sang. Con đường gi sắt xuyên qua bãi cát len lỏi giữa những gốc dương xanh mướt, nối liền hai trường dựng lên trong 3 ngày chỉ qua lại mỗi một lần, và mãi mãi không bao giờ được nhắc đến, vẽ tranh, ghi nhạc hoặc phổ thơ.

Sau hai năm, bốn lớp Đệ Lục đầu tiên đó được chia thành hai nhóm tùy theo sự chọn lựa cả nhân. Khoảng một nữa theo Ban chuyên nghiệp gồm 5 Ban riêng biệt là Điện Kỹ nghệ, Cơ khí Ô tô, Kỹ nghệ Gỗ, Máy Dụng Cụ, Kỹ nghệ Sắt. Nữa kia 90 người theo Ban Kỹ Thuật Toán, tạo thành 2 lớp Ngũ A1 và Ngũ B1. Kể từ Niên khóa 1964 - 1965 nhà trường bắt đầu thi tuyển vào lớp Đệ Ngũ nhận 140 nam sinh mới với 3 lớp Ngũ A2, Ngũ A3, Ngũ B2 thuộc Ban Kỹ Thuật Toán. Năm lớp Đệ Ngũ Ban Toán sau này trở thành 4 lớp Đệ Từ A1, A2, B1, B2; rồi 3 lớp Tam A, B, C lên 3 ớp Nhị A, B, C và cuối cùng là 80 cậu của 2 lớp Nhất A Nhất B.

Nhờ bộ sên quái di thay cái thắng chân tự chế, xe đạp của dân Kỹ Thuật lao vun vút giữa hai hàng dương ven đường. Một chiếc GMC vua mài xú báp, thay hệ thống điều hòa xăng, với thầy lái, hơn chục trò kẻ đứng người đeo, đầu máy trần trụi, chẳng bảng số, vòng vòng khắp phổ không quên luợn qua Nữ Trung Học, Trinh Vương, Bồ Đề, quán kem Phi Điệp hoặc Phở Công Binh. Hết năm Đệ Tứ, tháng 6/1966 học sinh các Ban chuyên nghiệp rời khỏi trường. Bè bạn chia tay từ đó, buồn nên những học sinh khá của Ban Toản thường bỏ bê chuyện học hành, chẳng cần thì cử (Trung Học Đệ Nhất Cấp miễn 50%, Tú Tài Kỹ Thuật phần Thứ Nhất miễn 30%).

Đằng nào thì căn nhà Bác Kỳ vân là chòi canh đơn độc, xua đuổi ma quái đằng sau hai trường song sinh : Kỹ Thuật Qui Nhơn và Trường Sư Phạm. Những cồn cát được san bằng, hàng trăm cây dừa được trồng lên, nhiều hàng phượng đỏ nỡ rộ những cánh hoa tươi thắm, ánh đèn điện rực sáng nơi nhưng đãy nhà vàng nhạt toàn khu vực này đều có bản tay của không quá 190 thiếu niên non trẻ. Đến khi rời trường, 7 năm sau - 1969 - số học sinh Kỹ Thuật đầu tiên đó còn lại khoảng 32 trò, tức một phần sáu sĩ số nhập học học lúc xa xưa. Họ từng là hàng xóm láng giềng với Khóa 1 cho tới Khóa 7 Sư Phạm, người quen trên khắp thành phố Qui Nhơn - nơi quy tụ những tài năng của miền Trung hiền hòa và lịch lãm.

                                                                  Bichson

(*) Tác giả bài viết Lớp học đầu tiên này đang định cư tại Mỹ, khẳng định qua điện thoại rằng ngày 3/9/1962 chính là ngày khai giảng, tuy anh không có giữ tư liệu gì nhưng nhớ rất rõ ngày này. Bài viết không dùng từ gì liên quan đến ngày khai giảng, chỉ gọi là "Lớp học đầu tiên" để nhấn mạnh đến yếu tố tiên phong của lứa học sinh lớp đầu tiên khi mở trường KTQN ! (cập nhật 01-8-2022)


Tư liệu : 





(Bài viết đã cập nhật các file gif - ngày 19-5-2022)

No comments:

Post a Comment