Friday, June 10, 2022

Giáo dục Kỹ thuật


Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

A. SƠ QUA VỀ NỀN GIÁO DỤC VNCH

Tổng quát Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Campuchia. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ.

Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam - còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.

Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương. Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở Miền Nam Việt Nam trong những năm 1955 - 1975 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.

Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển.

I. Triết lý giáo dục

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế, Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” được chính thức hóa ở hội nghị này.

1. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản.

Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc…Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục

2. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục dân tộc.

Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

3. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục khai phóng.

Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới. Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại.

Trái ông Nguyễn Quang Trình Bộ trưởng Bộ QG Giáo dục. Giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Phải Linh mục Giáo sư Cao Văn Luận Viện trưởng Viện Đại học Huế từ 7/1957-1965

II. Mục tiêu giáo dục thời VNCH :

1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân.

Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào

2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh.

Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.

Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.

III. Bậc tiểu học

Bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 (thời Đệ Nhất Cộng Hòa gọi là lớp Năm đến lớp Nhất). Theo quy định của hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc). Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học. Mỗi năm học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải học “đúp”, tức học lại lớp đó. Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.

Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp Một để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tùy trường) tại các trường tiểu học tư thục. Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) cấp tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn Quốc văn; 2 giờ Bổn phận công dân và Đức dục (còn gọi là lớp Công dân giáo dục). Lớp 2 (trước năm 1967 gọi là lớp Tư), Quốc văn giảm còn 8 tiếng nhưng thêm 2 giờ Sử ký và Địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn Quốc văn, Công dân và Sử Địa chiếm 12-13 tiếng mỗi tuần.

Trường Petrus Ký

IV. Trung học đệ nhất cấp

Bao gồm từ lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1971 gọi là lớp đệ thất đến đệ tứ), tương đương trung học cơ sở hiện nay. Từ tiểu học phải thi vào trung học đệ nhất cấp. Đậu vào trường trung học công lập không dễ. Các trường trung học công lập hàng năm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp Đệ thất (từ năm 1971 gọi là lớp 6), kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ số chung toàn quốc vào trường công khoảng 62%); tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn 10%. Những học sinh không vào được trường công thì có thể nhập học trường tư thục nhưng phải trả học phí. Một năm học được chia thành hai “lục cá nguyệt” (hay “học kỳ”). Kể từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ, thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp, môn Công dân giáo dục tiếp tục với lượng 2 giờ mỗi tuần. Từ năm 1966 trở đi, môn võ Vovinam (tức Việt Võ đạo) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường. Học xong năm lớp 9 thì thi bằng Trung học đệ nhất cấp. Kỳ thi này thoạt tiên có hai phần : viết và vấn đáp. Năm 1959 bỏ phần vấn đáp rồi đến niên học 1966-67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ thi Trung học đệ nhất cấp.

V. Trung học đệ nhị cấp

Trung học đệ nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12, trước 1971 gọi là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất; tương đương trung học phổ thông hiện nay. Muốn vào thì phải đậu được bằng Trung học đệ nhất cấp, tức bằng Trung học cơ sở. Vào đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong bốn ban như dự bị vào đại học. Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo thứ tự là Khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban vạn vật; ban toán; ban văn chường và ban văn chương cổ ngữ, thường là Hán văn. Ngoài ra học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai. Vào năm lớp 11 thì học sinh phải thi Tú tài I rồi thi Tú tài II năm lớp 12. Thể lệ này đến năm học 1972-1973 thì bỏ, chỉ thi một đợt tú tài phổ thông. Thí sinh phải thi tất cả các môn học được giảng dạy (trừ môn Thể dục), đề thi gồm các nội dung đã học, không có giới hạn hoặc bỏ bớt. Hình thức thi kể từ năm 1974 cũng bỏ lối viết bài luận (essay) mà theo lối thi trắc nghiệm có tính cách khách quan hơn.

Mỗi năm có hai đợt thi Tú tài tổ chức vào khoảng tháng 6 và tháng 8. Tỷ lệ đậu Tú tài I (15-30%) và Tú tài II (30-45%), tại các trường công lập nhìn chung tỷ lệ đậu cao hơn trường tư thục do phần lớn học sinh đã được sàng lọc qua kỳ thi vào lớp 6 rồi. Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên vào được đại học là một chuyện khó. Thí sinh đậu được xếp thành: Hạng “tối ưu” hay “ưu ban khen” (18/20 điểm trở lên), thí sinh đậu Tú tài II hạng tối ưu thường hiếm, mỗi năm toàn Việt Nam Cộng Hòa chỉ một vài em đậu hạng này, có năm không có; hạng “ưu” (16/20 điểm trở lên); “bình”(14/20); “bình thứ” (12/20), và “thứ” (10/20).

Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế)

VI. Trung học tổng hợp

Chương trình giáo dục trung học tổng hợp (tiếng Anh: comprehensive high school) là mộtchương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey,sau này được nhà giáo dục người Mỹ là James B. Connant hệ thống hóa và đem áp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ Giáo dục trung học tổng hợp chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn tư vấn, kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ, v.v… nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học.

Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể đề nghị những môn học đặc thù khả dĩ có thể đem ra ứng dụng ở nơi mình sinh sống. Thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cho thử nghiệm chương trình trung học tổng hợp, nhập đệ nhất và đệ nhị cấp lại với nhau. Học trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (khai giảng niên khóa đầu tiên vào tháng 10 năm 1965) , sau đó mở rộng cho một số trường như Nguyễn An Ninh (cho nam sinh; 93 đường Trần Nhân Tông, Quận 10) và Sương Nguyệt Ánh (cho nữ sinh; góc đường Bà Hạt và Vĩnh Viễn, gần chùa Ấn Quang) ởSài Gòn, và Chưởng Binh Lễ ở Long Xuyên.


VII. Giáo dục đại học

Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện Đại Học, trường Đại Học, và học viện trong nước. Tuy nhiên vì số chỗ trong một số trường rất có giới hạn nên học sinh phải dự một kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao; các trường này thường là Y, Dược, Nha, Kỹ Thuật, Quốc gia hành chánh và Sư Phạm.
Việc tuyển chọn dựa trên khả năng của thí sinh, hoàn toàn không xét đến lý lịch gia đình. Sinh viên học trong các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền. Chỉ ở một vài trường hay phân khoa đại học thì sinh viên mới đóng lệ phí thi vào cuối năm học. Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình học bổng cho sinh viên.
Trước năm 1964, tiếng Việt lẫn tiếng Pháp được dùng để giảng dạy ở bậc đại học, nhưng sau đó thì chỉ dùng tiếng Việt mà thôi theo chính sách ngôn ngữ theo đuổi từ năm 1955. Riêng Trường Đại Học Y Khoa dùng cả tiếng Anh.

Chương trình học trong các cơ sở giáo dục đại học được chia làm ba cấp.
  • Cấp 1 : (học 4 năm): Nếu theo hướng các ngành nhân văn, khoa học, v.v.. thì lấy bằng Cử nhân (ví dụ: cử nhân Triết, cử nhân Toán…); nếu theo hướng các ngành chuyên nghiệp thì lấy bằng Tốt nghiệp (ví dụ: bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh…) hay bằng Kỹ sư (ví dụ: kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông…).
  • Cấp 2 : học thêm 1-2 năm và thi lấy bằng Cao học hay Tiến sĩ đệ tam cấp (tiếng Pháp: docteurde troisième cycle; tương đương Thạc sĩ ngày nay).
  • Cấp 3 : học thêm 2-3 năm và làm luận án thì lấy bằng Tiến sĩ (tương đương với bằng Ph.D. của Hoa Kỳ). Riêng ngành Y, vì phải có thời gian thực tập ở bệnh viện nên sau khi học xong chương trình dự bị y khoa phải học thêm 6 năm hay lâu hơn mới xong chương trình đại học.
Theo hệ thống của Pháp (ngày trước) :
  • Cử Nhân (Licencié), Cao học (DEA), Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp (Doctorat de 3è cycle), Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État).
Theo hệ thống của Hoa Kỳ :
  • Cử Nhân (Bachelor), Master (trước 1975 chưa có từ ngữ dịch chính xác bằng cấp này),Tiến Sĩ (PhD). Khó có thể so sánh Master và Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp vì học trình hai bên khác nhau.
Trong nước ta lức đó thường dịch “Master” là Thạc Sĩ dễ gây hiểu lầm cho nhiều người. Từ “Thạc Sĩ” trước đây được dùng để chỉ những người thi đậu một kỳ thi rất khó của Pháp (agrégation). Người thi đậu được gọi là Agrégé. Không có từ tiếng Anh nào đồng nghĩa cho từ này.
Trường Cơ khí Á Châu

B.     NGÀNH GIÁO DỤC KỸ THUẬT

Cũng như các xứ thuộc địa trước thời Pháp thuộc, Đông Dương chỉ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu cho nước Pháp và nhập cảng hầu hết các sản phẩm chế tạo cần thiết trong nước. Vì vậy ngành giáo dục kỹ thuật tổ chức theo Nghị định ngày 2-3-1930 của Toàn Quyền Đông Dương chỉ có mục đích đào tạo một số thợ vừa đủ để giữ gìn và sửa chữa một số máy móc quan trọng cho sự điều hành của nhà Nước; do đó ngành học này chỉ có một địa vị phụ thuộc, rất lu mờ bên cạnh ngành học phổ thông. 

Khi đại chiến thứ II bùng nỗ, sự giao thương quốc tế trở nên khó khăn, Việt Nam phải tự chế tạo một số hàng hóa để thay thế các hàng nhập cảng. Hơn nữa các cơ quan quân sự không thể tiếp nhận máy móc mới từ Pháp gửi sang nên bắt buộc phải sửa chữa tại chỗ những dụng cụ bị hư hỏng. Nền học Kỹ thuật được chú ý đến ngoài ý muốn của Chính phủ đương thời. Năm 1939, giám đốc Sở Kỹ thuật và Vũ khí được cử làm cố vấn tại Nha Học Chính Đông Dương. Năm 1941, một quy chế của ngành học kỹ thuật được ban bổ và năm 1944 một Sở Thanh tra Kỹ thuật được thành lập.    

     I. Các trường kỹ thuật và huấn nghệ

Ngoài những trường đại học còn có hệ thống trường cao đẳng như Trường Bách khoa Phú Thọ và Trường Nông lâm súc. Một số những trường này sang thập niên 1970 được nâng lên tương đương với cấp đại học.

        1. Trường quốc gia Nông Lâm mục : 

Thoạt tiên là Nha Khảo cứu Đông Dương thành lập năm 1930 ở B’lao, cơ sở này đến năm 1955 thì nâng lên thành Trường Quốc gia Nông lâm mục với chương trình học bốn năm. Diện tích vườn thực nghiệm rộng 200 ha chia thành những khu chăn nuôi gia súc, vườn cây công nghiệp, lúa thóc. Qua từng giai đoạn Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968-1972), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972-1974). Cuối cùng Trường Quốc gia Nông lâm mục được sáp nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (có trụ sở ở số 45 đường Cường Để, Quận 1, Sài Gòn). Trường còn có chi nhánh ở Huế, Cần Thơ, và Bình Dương.

        2. Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ : 

Ban đầu, Trường Cao đẳng Công chánh liên bang Đông dương được thành lập năm 1911 tại Hà Nội, hoạt động liên tục đến năm 1945 thì tạm ngừng. Đến năm 1947 Trường được tái lập tại Sài Gòn và đặt trụ sở tại Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ. Năm 1957, trường được chuyển về Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được thành lập do Sắc Lệnh năm 1957 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục.  Địa điểm của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật  trước 1975 nằm ở  góc đường Nguyễn Văn Thoại và Tô Hiến Thành. Từ năm 1974 Trung Tâm trở thành một bộ phận của Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Trong khuôn viên Trung Tâm gồm các Trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp, trường Hàng Hải, trường quốc gia thương mại trung cấp. Muốn nhập học phải có Tú Tài 2 ban A hoặc B qua một kỳ thi tuyển gắt gao, thời gian học cho Kỹ Sư từ 4 đến 5 năm tùy theo ngành, ban Cán Sự 2 năm. Trong khuôn viên Trung Tâm gồm :
  • Trường Cao Đẳng Công Chánh: đào tạo Kỹ Sư Cầu Cống, Cán Sự Công Chánh, Địa Chánh.
  • Trường Cao Đẳng Điện Học (được thành lập năm 1957): đào tạo Kỹ Sư Điện, Cán Sự Điện, Điện Tử.
  • Trường Kỹ Sư Công Nghệ : thành lập năm 1956, đào tạo Kỹ Sư Công Nghiệp.
  • Trường Cao Đẳng Hóa Học: đào tạo Kỹ Sư Hóa Học 1968, Cán Sự Hóa Học 1962.
  • Trường Việt Nam Hàng Hải : được thành lập năm 1951, được sát nhập vào Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật năm 1957. đào tạo Thuyền Trưởng Viễn Duyên, Sĩ Quan Cơ Khí Hàng Hải.
  • Trường Quốc Gia Thương Mãi - Bách Khoa Trung Cấp : đào tạo chuyên viên thương mại, kế toán
Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ Cổng phía đường Lý Thường Kiệt

        3. Học Viện Quốc gia Kỹ thuật (1972-1975)

Theo sắc lệnh số 135SL/GD ngày 15/9/1972 của chính quyền VNCH, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được đổi tên là Học viện Quốc gia Kỹ thuật (HVQGKT) gồm sáu trường thành viên: trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản, trường Cao đẳng Công chánh,trường Cao đẳng Công nghệ (Quốc gia Kỹ sư Công nghệ), trường Cao đẳng Điện học,trường Cao đẳng Hóa học, trường Cao đẳng Hàng hải (Việt Nam Hàng hải).Đáng chú ý, trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản được thành lập theo sắc lệnh 135SL/GD để hỗ trợ cho năm trường cao đẳng thuộc HVQGKT. Trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản có nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất các kiến thức về kỹ thuật khoa học để sinh viên có thể theo các ngành chuyên môn ở các năm tiếp theo (tại năm trường cao đẳng còn lại). Học sinh có bằng tú tài 2, ban B, hoặc tú tài của trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp được thi tuyển, nếu đậu sẽ học năm thứ nhất tại trường này. 

        4. Trường Cao Đẳng Công Chánh : 

Đến 1945, khi quân đội Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng Công Chính của Liên Bang Đông Dương tại Hà Nội phải đóng cửa. Tháng 7 năm 1947, Trường Cao đẳng Công Chính cũng được tái lập tại Sài Gòn và chỉ dành cho Ban Trung Đẳng. Đến năm 1950, chính phủ Pháp chuyển giao trường lại cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, năm 1957,  ông Trần Văn Bạch tốt nghiệp trường Ecole nationale des ponts et chaussées Paris được cử giữ chức Giám đốc trường và trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng Công Chính Việt Nam. 1956-1957, trường chuyển dời và sau đó trực thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ cùng với các trường Cao đẳng Điện, Công nghệ Hoá Học và Hàng Hải. Khoá Kỹ Sư Công Chính cuối cùng thuộc quy chế cũ tốt nghiệp năm 1961 và khoá Cán Sự Công Chính tốt nghiệp năm 1960. 
Sau khi trực thuộc Trung tâm, trường đào tạo 2 ban là Ban Cán Sự và Ban Kỹ Sư. Đối với Ban Kỹ Sư, kể từ năm 1958, trường chỉ nhận những thí sinh có bằng tú tài toàn phần Toán hay Kỹ thuật vào thi, chương trình học trong 4 năm, sinh viên tốt nghiệp được cấp Văn Bằng Kỹ Sư Công Chính hay Địa Chính. Ban Cán Sự có những thay đổi đáng kể, ban đầu (1957) thí sinh thi vào học phải có văn bằng tốt nghiệp Trung học Phổ Thông hay Kỹ thuật và có chứng chỉ học lớp Đệ Tam. Thời gian học là 3 năm, và 3 tháng hè phải đi tập sự tại các Nha, Sở hay Ty Công Chính địa phương. Thi tốt nghiệp phải đạt trung bình hơn 12 điểm mới được cấp phát văn bằng “Cán Sự Công Chánh” hay “Cán Sự Địa Phương”. Năm 1967, do kỹ thi Trung học Đệ Nhất Cấp bị bãi bỏ nên thí sinh phải có chứng chỉ Tú Tài I mới được vào thi, chương trình học rút lại còn 2 năm. Đến năm 1973, kỳ thi Tú Tài I bãi bỏ, chỉ còn bằng Tú Tài II nên các thí sinh cũng phải có bằng Tú Tài II mới được dự thi với chương trình học kéo dài 2 năm.

Trường Cao Đẳng Công Chánh

        5. Trường Kỹ Sư Công Nghệ

Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ được thành lập năm 1956 trực thuộc Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật, Bộ Giáo Dục, Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1973, sau nhiều lần cải tổ cho phù hợp với tiến trình canh tân kỹ nghệ quốc gia, trường được đổi tên là Cao Đẳng Công Nghệ vẩn thuộc Trung Tâm bấy giờ đã đổi thành Viện Đại Học Kỹ Thuật. Trung Tâm thường được dân chúng gọi là trường Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ vì tọa lạc tại Phú Thọ - một địa điểm  phía Tây Nam cách trung tâm Sài Gòn khoảng 10 km. Trường bắt đầu với khóa 01 cho đến Khóa 19, khóa cuối cùng nhập học năm 1974. Học sinh dự thi tuyển khó khân vào ban Kỹ Sư phải có bằng Tú Tài  ban A hay B. Sau 4 năm tốt nghiệp sẻ được cấp băng Kỹ Sư Công Nghệ. Trường đào tạo các kỹ sư công nghệ các ngành cơ khí, kỹ nghệ sắt, luyện kim, xe hơi ô tô…Trường đã góp phần rất lớn cho đất nước trong việc đào tạo kỹ sư chuyên viên và quản trị cho nền công nghiệp cũng như các cơ quan kỹ thuật. Khắp nơi, từ nhà máy điện, đường, giấy vải, xi măng… cho đến các cơ quan hành chánh, giáo dục và quân sự, đều có sự hiện diện của kỷ sư công nghệ.

Trường Công nghệ ban Cơ khí

        6. Trường Hàng Hải

Trường Hàng Hải được chính thức thành lập vào năm 1951, do nghị định số 155-Cab/SG ngày 27-12-1948. Đầu tiên trường tọa lạc tại khu Hỏa Xa đường Phạm Ngũ Lão với danh hiệu: Việt Nam Hàng Hải Học Liệu. Sau một thời gian được dời đến khuôn viên trường Pétrus Ký, giữa Đại học Sư Phạm và trường Pétrus Ký. Đến năm 1957, Trường được xác nhập vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật do sắc lệnh số 213 GD ngày 26-09-1957 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, dời về Phú Thọ trong khu vực các trường kỹ thuật với danh hiệu : Trường Việt Nam Hàng Hải. Trường Việt Nam Hàng Hải chỉ đào tạo :

  • Thuyền Trưởng Viễn Duyên (Grand Cabotage),
  • Thuyền Trưởng Cận Duyên (Petit Cabotage),
  • Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhất,
  • Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhì.

Hàng năm thí sinh dự kỳ thi tuyển rất đông; như năm 1971, khoảng 1200 thí sinh cho ban Chỉ huy và 950 cho ban Cơ khí. Từ trước đến nay trường chọn mỗi ban khoảng 23 người trúng tuyển vào năm thứ nhất. Muốn dự kỳ thi tuyển vào trường, thí sinh phải có văn bằng Tú tài phổ thông (Ban B) hay kỹ thuật trở lên.


        7. Trường Quốc Gia Thương Mại

Trường Quốc gia Thương Mại (Ecole Nationale De Commerce de Saigon) được thành lập vào giữa tháng 5 năm 1956 tại Sài Gòn. Trong thời điểm này, nhiều quốc gia trong khối Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, vẫn chưa hề có một hệ thống giáo dục về Thương Mại. Vì là trường dạy về Thương Mại duy nhất trên toàn quốc nên đã được đặt tên là Trường Quốc gia Thương Mại (QGTM). Trường có mục đích đào tạo các sinh-viên thành những chuyên-viên có kiến thức về hành chính, tài chính, quan thuế, thuế vu, ngân hàng…để đảm nhiệm những chức vụ quan trọng cho nhà nước, và các doanh nghiệp thương mại. Trường QGTM được tổ chức dựa theo khuôn khổ của Institut d’Enseignement Commercial - Université de Grenobe tại Pháp, với các môn học chính.

Khởi đầu, Trường QGTM có trụ sở tại số 2 Phạm Đăng Hưng - Đakao, trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Cuối năm 1965, trường được dọn về trụ sở mới tại số 268 đường Nguyễn Văn Thoại, nằm trong khuôn viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Bắt đầu từ niên khóa 1973 - 1974, Trường Quốc Gia Thương Mại trở thành Khoa Thương Mại Trường Đại Học Chuyên Nghiệp Trung Cấp thuộc Viện Đại Học Sài Gòn (chương-trình được phỏng theo hệ thống Junior College của Hoa Kỳ). Thí sinh có bằng Tú Tài toàn phần phải qua một cuộc thi tuyển gồm các môn Toán Lý Hóa và kiến thức phổ thông để được vào khoa Thương Mại.

        8. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật thành lập do Nghị Định số 1082/GD ngày 05/10/1962 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trực thuộc nha Kỹ Thuật và chuyên nghiệp học vụ, trụ sở ở Thủ Đức, trường đào tạo các giáo chức dạy các môn kỹ thuật cho các trường Sư Phạm Kỹ Thuật Trung Cấp. Trường có các ngành về Khoa Học Ứng Dụng, Khoa Học Chuyên Nghiệp, Kỹ Nghệ Họa, Thương Mại, Tiểu Công Nghệ. Đến niên khóa 1973-1974 trường được kết hợp với một số trường Cao Đẳng của Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ để trở thành Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức dưới sự điều khiển trực tiếp của Bộ Văn Hóa Giáo Dục.

        9. Trường Cơ khí Á Châu

Trường Cơ khí Á Châu (Ecole des Mécaniciens Asiatiques) được thành lập vào ngày 20 tháng 2 năm 1906 theo nghị định của thống đốc Nam Kỳ Rodier trên phần đất trước đó là nhà ga đầu tiên của Sài Gòn. Để giải quyết vấn đề thiếu thốn thợ cơ khí cho các công trình tại xứ thuộc địa. Trong một phần tư thế kỷ diện tích của trường vẫn không thay đổi. sở này bao gồm 3 trường nằm cạnh nhau: Một trường kỹ thuật, một khu học nghề và một khu tập lái xe.

  • Trường kỹ thuật đào tạo những chuyên viên vận hành máy hơi nước, máy nổ và máy điện. Việc giảng dạy thực hiện trong một giàng đường, trình diễn các mô hình được trình bày trong phòng mô hình, những bài thực hành được diễn ra trong những hành lang để các máy móc có không gian trống vận hành cạnh bờ sông trên những chiếc tàu của chính quyền Nam Kỳ, riêng về điện thì thực hành trong xưởng đặc biệt của trường ở nhà máy điện thành phố.
  • Khu vực học nghề gồm các nghề chính về sắt: tiện, gò, rèn, lò hơi. Những xưởng liên quan đến các nhiệm vụ khác nhau được thiết kế một cách hiện đại như các học cụ rất tiên tiến.
  • Khu vực học lái xe tuyển những người trẻ tuổi trước tiên họ phải qua học tại xưởng máy trong một ga ra của chính quyền nằm tại trường. Họ phải học từ 6 đến 8 tháng để có chứng chỉ. Khi họ ra trường, không những là người lái xe tốt mà còn là người hiểu biết về máy móc và bảo trì xe. Khu vực học lái xe rất bận rộn, ngành vận chuyển mấy năm sau này có những bước phát triển đáng kể ở thuộc.

Một xưởng động cơ nổ

Việc thi tuyển của trường qua các kỳ thi kề cả đối với thí sinh mới 16 tuổi nếu có chứng chỉ học lực Pháp - bản xứ hay trình độ học lực tương đương. Những người học nghề và học lái xe đều được giáo dục cao, họ nhận chế độ thực tập miễn phí. Còn những học sinh ngoại trú phải trả 7 quan mỗi tháng và nội trú là 20 quan. Nhà trường cũng tiếp nhận các học sinh châu Âu. Các học sinh nhận bằng brevet kỹ thật hạng 2 khi qua tốt nghiệp. Họ phải qua bắt buộc năm thực tập tại bộ hải quân thuộc địa. Học chấm dứt thời gian thực tập với quân hàm và chuẩn bị cho kỳ thi nhận bằng brevet cơ điện trưởng . Từ đó mở ra cơ hội cho họ được làm việc tại cơ xưởng hải quân và kỹ nghệ.

Trường được điều hành bởi một kỹ sư cơ khí về hưu từ lực lượng hải quân. Trường có 6 giáo sư kỹ thuật hay trưởng xưởng đa số từ hải quân ra, 15 đốc công hay huấn luyện viên bản xứ. Tháng 5 năm 1930, trường có 175 học sinh: 85 học sinh kỹ thuật, học nghề 44 và học lái 46 người. Trường Cơ khí Á Châu Sài Gòn là cái nôi cho ngành giáo dục kỹ thuật tại miền nam, là tiền thân của Trường Kỹ thuật Cao Thắng nỗi tiếng sau này. Ngoài cơ sở chính tại Saigon, một số các cơ xưởng thực hành còn được bố trí ở 3 nơi khác để mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của trường như : Bến Tre, Cần Thơ và Rạch Giá, cũng là nơi để đào tạo công nhân có tay nghề thủ công.

Một xưởng thực hành tại Bến Tre

         10. Các trường trung học kỹ thuật

Các trường trung học kỹ thuật nằm trong hệ thống giáo dục kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với giáo dục phổ thông. Các học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật thường được cấp học bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh và tiếng Pháp. Các trường trung học kỹ thuật có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố; ví dụ, công lập thì có Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là Trường Cơ khí Á châu thành lập năm 1906 ở Sài Gòn; nay là Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng), Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; tư thục thì có Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco (do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định; nay là Trường Đại Học Công Nghiệp TPHCM). Trường Trung học Kỹ thuật Huế thành lập năm 1956 tiền thân là Trường Bá Công được thành lập năm 1899. Trường Trung học Kỹ thuật Qui Nhơn và Trung học Kỹ thuật Đà Nẵng cùng thành lập năm 1962..

Để học sinh có dụng cụ tối tân học hỏi, cơ quan Ngoại viện Hoa Kỳ đã trang bị các trường Bách khoa Trung cấp, Kỹ thuật Vĩnh Long, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột; Tây Đức đã trang bị trường Kỹ thuật Cao Thắng; Tân Tây Lan trang bị trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; Úc Đại Lợi đang nghiên cứu trang bị trường Kỹ thuật Nha Trang. Những con số ghi sau đây sẽ chứng tỏ sự quan trọng của các chương trình viện trợ cho ngành giáo dục kỹ thuật : 


      III.    Nha Kỹ thuật Học Vụ

Thật ra vai trò của ngành giáo dục kỹ thuật mới được đề cao từ ngày thâu hồi độc lập, theo Nghị định số 21-GD/NĐ ngày 3-2-1955, NHA KỸ THUẬT HỌC VỤ được thành lập và hoạt động riêng biệt, không phụ thuộc Nha Tổng Giám đốc Trung Tiểu Học Vụ và có nhiệm vụ đào tạo các chuyên viên cần thiết cho sự phát triển của các ngành Công Kỹ Nghệ nước nhà.


Ban đầu Nha có tên là Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ rồi Nha Kỹ thuật và Chuyên nghiệp Học Vụ hay Nha Kỹ thuật Học Vụ. Giám đốc là Kỹ sư Trần Văn Bạch. Kỹ sư Bạch tốt nghiệp khóa 1935 của École National des Ponts et Chaussées de Paris và được mời về làm Tổng Trưởng Công Chánh và Giao Thông Vận Tải trong nội các ngày 6 tháng 7, 1954 của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông là một người rất nhân từ, khiêm tốn, ông cho nhiều học sinh nghèo ở tỉnh theo học trường chuyên nghiệp tại Sàigòn, được phép vào trú ngụ trong mấy cái xưởng không dùng đến. 

Vì sự quan tâm đặc biệt về tình trạng Giáo dục Kỹ Thuật  thực tế ở Miền Nam, ông rời bỏ chức vụ Tổng Trưởng để đãm nhiệm chức vụ Giám Đôc Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Chẳng những là Giám Đốc các trường Cao Đẳng , ông còn là Giáo Sư thỉnh giảng của trường Đại học Khoa Học, Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc…Hầu hết các sinh viên ngành Khoa học, Kỹ thuật đều là học trò của ông. Kỹ sư Trần Văn Bạch, một nhà giáo dục tận tâm,đã đóng góp to lớn cho nền giáo dục miền Nam nói riêng, và Việt Nam nói chung. 

Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật Học Vụ có trụ sở chính tại số 48 Phan Đình Phùng, góc đường Phan Đình Phùng - Phạm Đăng Hưng. Nơi này trước đây là trụ sở chính tại Sài Gòn của Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Établissements Brossard et Mopin, là chuyên gia hàng đầu Đông Á về các tòa nhà bê tông cốt thép, đối thủ cạnh tranh thường xuyên với công ty cũ của Gustav Eiffel là Société Levallois Perret về các hợp đồng xây cầu đường sắt, các cơ sở hạ tầng khác cho Chemins de fer de l'Indochine (CFI). 

Lúc đầu, tại khuôn viên Nha KTHV có các trường khác mượn phòng ốc để hoạt động tạm thời như : Trường Cao đẳng Công chánh Liên bang Đông dương (phiên bản tái lập ở Sài Gòn của trường cung tên ở Hà Nội thành lập năm 1911 đã ngừng hoạt động, là tiền thân của Trung tâm KT Phú Thọ); Trường Trung học Kỹ thuật Phan Đình Phùng (riêng dạy các lớp Đệ Thất) là một Chi nhánh trường Kỹ thuật Cao Thắng; Ban học Âm nhạc vừa tách khỏi trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định theo Công lệnh số 352/GĐ/CL; Trường Quốc gia Thương Mại vừa mới thành lập sau chuyển về trung tâm KT Phú Thọ; Trường Kỹ sư Công nghệ khóa đầu sau cũng chuyển về trung tâm KT Phú Thọ. Hiện tại nơi này là địa điểm của một số tổ chức, cơ quan...lẫn lộn, nhưng kế thừa chính chỉ là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Giám đốc Nha Kỹ thuật Học Vụ qua các thời kỳ : đầu tiên (1955) là ông Nguyễn Văn Bạch, kỹ sư cầu cống (Ecole Polytechnique de Paris), sau đó (từ 1959) là đến lượt các ông kỹ sư Nguyễn Được (Ecole Centrale des Arts et Manufactures, Paris); kiến trúc sư Lê Văn Lảm (Architecte); kiến trúc sư Nguyễn Văn Huyện. Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục lúc đó là giáo sư Nguyễn Dương Đôn. Từ 1956 đến 1975, các Tổng, Bộ trưởng Quốc gia Giảo dục còn có giáo sư Nguyễn Quang Trình (từ 1956); luật sư Phan Tấn Chức (từ 1964); giáo sư Đoàn Quang Tấn; giảo sư Trần Hữu Thế; bác sĩ Nguyên Tiến Hỷ (Quốc vụ khanh); giáo sư Nguyễn Vẫn Tường và dược sĩ Ngô Khắc Tĩnh.

Vị trí Nha Kỹ thuật Học vụ góc đường Phan Đình Phùng - Phạm Đăng Hưng
(nay là góc Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu gần Nhà thờ Giáo xứ Francisco Dakao) 

Nha Kỹ thuật Học Vụ một cơ phận của Bộ Quốc gia Giáo dục, là đầu tàu tiên phong đã xây dựng và thực thi các đề án cụ thể, góp phần đáng kể trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục kỹ thuật thời bấy giờ. Hệ thống các trường đại học, cao đẵng, trung học kỹ thuật, các trường dạy nghề của nhà nước hay tư nhân cũng đang ngày càng gia tăng. Các cơ sở hiện đang hoạt động vẫn luôn tích cực cũng cố và nâng cấp cho phù hợp với nhu cầu cấp thiết của xã hội. Và hàng năm, đã đào tạo nhiều kỹ sư chuyên môn, chuyên viên kỹ thuật, các bậc thợ lành nghề...để góp phần thiết thực vào công cuộc công nghệ hóa đất nước.
Con dấu KTQN thời 1964-1975 được vẽ lại
(xin đừng screenshot & edit để làm chuyện gì)


P/s : Sơ qua về chủ sở hữu tòa nhà là trụ sở của Nha Kỹ thuật Học Vụ trước đây :

Ngôi biệt thự thuộc địa đổ nát ở 48 Nguyễn Đình Chiểu từng là trụ sở chính tại Sài Gòn của công ty Kỹ thuật và Xây dựng Établissements Brossard et Mopin, công ty chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng một số tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của Sài Gòn. Công ty của Brossard đã xây dựng đường xe điện khai thác mỏ Société de charbonnages de Hon-gay từ Cảng-Courbet đến Hà Tu

Người sáng lập công ty Jules Brossard đến Đông Dương vào cuối những năm 1880, xây dựng một doanh nghiệp khai thác có lãi ở Hòn Gai và sau đó thành lập công ty kỹ thuật Brossard et Cie có trụ sở tại Hải Phòng. Vào những năm 1890, chính công ty này đã chế tạo hai xe điện công nghiệp khổ 1m. các tuyến ở Vịnh Hạ Long cho Société de charbonnages de Hòn-gay, một trong 12 km nối Cảng-Courbet (Hòn Gai) với mỏ Hà Tu và một tuyến khác dài 6 km (3 km đầu tiên chia sẻ với tuyến Hà Tu) nối Cảng-Courbet với mỏ Nagotna.

Vào đầu những năm 1900, công ty của Brossard cũng chịu trách nhiệm về phần lớn cơ sở hạ tầng (nhà ga, đường ray, đường ray) trên tuyến đường sắt Compagnie française des chemins de fer de l'Indochine et du Yunnan (Công ty Đường sắt Đông Dương thuộc Pháp và Vân Nam, CIY). 

Mối quan hệ hợp tác kinh doanh của Brossard với cựu thanh tra Sở Tòa nhà Hành chính Eugène Mopin bắt đầu vào năm 1906, và trong hai thập kỷ tiếp theo, Société d'Exploitation des Établissements Brossard et Mopin đã phát triển thành một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật thành công nhất Đông Á, với trụ sở chính tại Paris và các chi nhánh tại Sài Gòn, Phnôm Pênh, Singapore và Thiên Tân.

Trong thời kỳ này, công ty đã xây dựng ngân hàng, bệnh viện, nhà máy, cơ sở hạ tầng cảng, hồ chứa và bể bơi ở nhiều thành phố châu Á, trở thành chuyên gia hàng đầu Đông Á về các tòa nhà bê tông cốt thép và cạnh tranh thường xuyên với công ty cũ của Gustav Eiffel là Société Levallois-Perret về các hợp đồng xây cầu đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác cho Chemins de fer de l'Indochine (CFI).

Tại Sài Gòn, công trình thực sự củng cố danh tiếng của công ty là Tòa nhà trung tâm Halles năm 1914, nay là Chợ Bến Thành. Tòa nhà mang tính biểu tượng này đã mở đường cho vô số hoa hồng cao cấp khác, bao gồm cả khách sạn Grand Hotel nổi tiếng ở Bắc Kinh (1917).

Trước năm 1920, Établissements Brossard et Mopin thuê một văn phòng tại 18 rue Lagrandière (Lý Tự Trọng) ở Sài Gòn, nhưng trong năm đó nó đã chuyển các hoạt động quản lý Đông Á của mình đến một trụ sở mới được xây dựng ở Sài Gòn tại 48 rue Richaud, nay là 48 Nguyễn Đình Chiểu. Cùng năm, người sáng lập và đối tác cấp cao Jules Brossard đã nhận được giải thưởng Chevalier de la Légion d’Honneur vì những đóng góp của ông cho sự phát triển của Đông Dương.

Établissements Brossard et Mopin đã bị buộc phải tiếp nhận vào năm 1922 sau sự phá sản của Banque Industrielle de Chine (Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc) có trụ sở tại Thượng Hải, nhưng vào năm 1924, công ty đã được tái thiết và sau đó tạo nên tên tuổi với các công trình lớn khác, bao gồm Trésor général ở Sài Gòn (1925), Ngân hàng Đông Dương thứ hai (1928), Ngân hàng Chartered (1928) và 213 rue Catinat (1930), cũng như nhiều khu chung cư và văn phòng cấp thấp khác.

Trụ sở chính tại Sài Gòn trước đây của công ty tại 48 Nguyễn Đình Chiểu hiện đang cung cấp không gian văn phòng cho một số cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch, mặc dù giống như nhiều tòa nhà lịch sử khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, tương lai của nó vẫn chưa được đảm bảo.

Con dấu Trường KTQN (1962 - 1975)


No comments:

Post a Comment