Tuesday, June 14, 2022

Một bước tiến của ngành học KT


Ấn phẩm do Phòng Ấn loát - Nha Kỹ Thuật Học Vụ - Xuất bản năm 1962 nhân Kỹ niệm Thành lập trường Kỹ thuật Đà Nẵng (15-9-1962). Cách hành văn dụng ngữ thông dụng trong thời kỳ 1962; Các quan điểm về chủ trương giáo dục đào tạo theo chế độ đương thời của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

A.SỰ QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH HỌC KỸ THUẬT

Sau ngót một thế kỹ bị đô hộ, nước Việt Nam đã giành được chủ quyền và đồng thời phải đương đầu với một số vấn đề khẩn cấp có ảnh hưởng xa gần đến nền độc lập. Một vấn đề trọng yếu là vấn đề kiến thiết xứ sở, củng cố nền kinh tế ấu trỉ, ngỏ hầu đem lại công ăn việc làm cho toàn dân. Cho đến ngày thâu hồi độc lập, có thể nói kỹ nghệ hoặc nặng hoặc nhẹ ta đều không có; ta phải nhập cảng từ những gia dụng đơn sơ cho đến những máy móc cần thiết cho đời sống của dân. Đa số chúng ta lầm tưởng rằng dân nghèo, vấn đề kỹ nghệ hóa chưa đề cập được, song nếu vấn đề vốn liếng là vấn đề chính, vấn đề then chốt vẫn là vấn đề giáo dục những thế hệ thanh niên hiện nay cũng như những thế hệ sắp tới để đào tạo những bàn tay xây dựng khéo léo, những bộ óc chỉ huy rành rẽ vấn đề tổ chức và thấu triệt vấn đề kỹ thuật liên can đến công việc thường ngày của họ. 

Nếu hai nước Đức, Nhật trong khoảng chừng 15 năm đã phá bỏ mọi tàn tích của thời kỳ bị trị để nhảy vọt từ địa vị một quốc gia thất trận đến địa vị của một cường quốc có uy tín, ta nên biết thêm rằng tài nguyên thiên nhiên của họ không có nhiều, nhưng trái lại trình độ kỹ thuật của dân họ rất cao; trong mọi địa hạt hoạt động của kỹ nghệ luôn luôn có hàng trăm chuyên viên phục vụ. Ngành giáo dục kỹ thuật không phải không đóng một vai trò hệ trọng trong những thành tích rực rỡ mà họ đã đạt được : nếu tại Tây Đức 60% học sinh đã theo học kỹ thuật và chuyên nghiệp, thì tại Nhật Bản bên cạnh 1.800.000 học sịnh Đệ II cấp phổ thông ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy 1.200.000 học sinh chuyên nghiệp. Ta hãy quay về với những quốc gia Á Châu cùng một hoàn cảnh như chúng ta. Trên một hòn đảo mà diện tích không đáng kể, Trung Hoa Dân Quốc đã gom góp 105 trường chuyên nghiệp với 23.000 học sinh chiếm tỷ lệ 1/3 học sinh đã theo học ngành kỹ thuật. Phi Luật Tân có 93 trường chuyên nghiệp, số sinh viên theo học kỹ thuật là 47.223 trong đó 3/4 là con trai và 1/4 là con gái. Thái Lan với dân số 22.800.000 đã có 67.247 học sinh kỹ thuật. 

Những con số hùng hồn kể trên đã chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của các Quốc gia đối với ngành kỹ thuật, đã được coi như một ngành hệ trọng liên can đến sự hưng thịnh của một nước. Điểm này chắc không còn một ai chối cãi. Nhưng nhiều người vẫn quan niệm sai lầm rằng ngành học kỹ thuật chỉ có mục đích đào tạo chuyên viên giỏi nghề, có lương tâm nghề nghiệp, biết tổ chức, rành rẽ việc chỉ huy, tiết kiệm thời gian, không phung phí vật liệu. Đó chỉ là mục đích. Công cuộc kỹ nghệ hóa một quốc gia không thể nào thực hiện được nếu không có sự đồng tiến của toàn dân. Vì vậy, ngành giáo dục kỹ thuật phải hướng đến một đối tượng cao xa, có tính cách lâu dài và sâu rộng, đó là vấn đề phổ biến kỹ thuật, nâng cao trình độ hiểu biết kỹ thuật của toàn dân; đào tạo một hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển của ngành công kỹ nghệ. Công cuộc này đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều tiền của, nhưng phải được như một sự đầu tư cần thiết có ảnh hưởng trược tiếp đến lề lối sống, trình độ sinh hoạt, đến sáng kiến cá nhân cũng như đến khả năng của mỗi gia đình. 

Máy móc triển lãm do học sinh trường Bách Công chế tạo trong kỳ thi tốt nghiệp

B.NHỮNG GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC KỸ THUẬT VIỆT NAM

Cũng như các xứ thuộc địa trước thời Pháp thuộc, Đông Dương chỉ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu cho nước Pháp và nhập cảng hầu hết các sản phẩm chế tạo cần thiết trong nước. Vì vậy ngành học kỹ thuật tổ chức theo Nghị định ngày 2-3-1930 của Toàn Quyền Đông Dương chỉ có mục đích đào tạo một số thợ vừa đủ để giữ gìn và sửa chữa một số máy móc quan trọng cho sự điều hành của nhà Nước; và không một ai ngạc nhiên khi thấy ngành học này chỉ có một địa vị phụ thuộc, rất lu mờ bên cạnh ngành học phổ thông. 

Kịp đến khi đại chiến thứ II bùng nỗ, sự giao thương Quốc tế trở nên khó khăn, Việt Nam phải tự chế tạo một số hàng hóa để thay thế các hàng nhập cảng. Hơn nữa các cơ quan quân sự không thể tiếp nhận máy móc mới từ Pháp gửi sang nên bắt buộc phải sửa chữa tại chỗ những dụng cụ bị hư hỏng. Nền học Kỹ thuật được chú ý đến ngoài ý muốn của Chính phủ đương thời. Năm 1939, giám đốc Sở Kỹ thuật và Vũ khí được cử làm cố vấn tại Nha Học Chính Đông Dương. Năm 1941, một quy chế của ngành học kỹ thuật được ban bổ và năm 1944 một Sở Thanh tra Kỹ thuật được thành lập. 

Thật ra vai trò của ngành học kỹ thuật mới được đề cao từ ngày thâu hồi độc lập : do Nghị định số 21-GD/NĐ ngày 3-2-1955 một cơ quan mệnh danh NHA KỸ THUẬT HỌC VỤ được thành lập riêng biệt, không phụ thuộc Nha Tổng Giám đốc Trung Tiểu Học Vụ và có nhiệm vụ đào tạo các chuyên viên cần thiết cho sự phát triển của các ngành Công Kỹ Nghệ. 

Trường Bách khoa Trung cấp Phú Thọ

1/ Tăng trường và lớp

  • Trường Kỹ thuật Cao Thắng được cải tổ thành trường Trung học Kỹ thuật Đệ Nhị cấp, trường Thực nghiệm Sài Gòn được đổi thành trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Học xưởng Nha Trang và Ban Mê Thuột cũng đổi thành trường Trung học Kỹ thuật Đệ Nhất cấp.
  • Nhiều trường mới như trường Quốc Gia Thương Mại, Bách khoa Trung cấp, Kỹ thuật Vĩnh Long, Kỹ thuật Đà Nẵng, Kỹ thuật Qui Nhơn đều thiết lập nhờ quỹ Quốc Gia và quỹ  Ngoại Viện. Hiện thời Nha Kỹ thuật Học Vụ lĩnh nhiệm vụ điều khiển.
  • Bốn trường Trung học Kỹ thuật Đệ Nhị cấp và chuyên nghiệp : Kỹ thuật Cao Thắng, Bách khoa Trung cấp hay trường Bách Công, Quốc Gia Thương Mại, Kỹ thuật Đà Nẵng.
  • Sáu trường Trung học Kỹ thuật Đệ Nhị cấp : Nguyễn Trường Tộ Sài Gòn, Vĩnh Long, Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Ban Mê Thuột.
  • Hai trường Mỹ nghệ Thực hành : Biên Hòa và Bình Dương.
  • Chín trường học nghề : Gò Công, Mỹ Tho, Long An, Phước Long, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiến Hòa, Phong Dinh. 

Ngoài ra, Nha Kỹ thuật Học Vụ còn kiểm soát gần 100 Tư thục Hành chánh, gần 150 Tư thục Dạy lái xe hơi, Kế toán, Đánh máy ở rải rác khắp mọi nơi trong nước.

Sĩ số và nhân viên giáo huấn được gia tăng một cách đều đặn :

a/ Sĩ số : Từ niên học 1954-55 đến 1962-63

  1. Số học sinh Trung học tăng từ 709 đến 4121
  2. Số học sinh các trường Học nghề tăng từ 574 đến 710
  3. Số học sinh các trường Nữ công tăng từ 342 đến 4360
  4. Số học sinh các trường Tư thục Chuyên nghiệp tăng từ 2267 đến 4050

b/ Nhân viên giáo huấn :

  1. Dạy tại các trường Trung học Kỹ thuật tăng từ 95 đến 272
  2. Dạy tại các trường Học nghề tăng từ 19 đến 48
  3. Dạy tại các trường Tư thục Chuyên nghiệp tăng từ 74 đến 157
  4. Dạy tại các trường Tư thục Nũ công tăng từ 28 đến 101

2/ Trang bị các trường

Để học sinh có dụng cụ tối tân học hỏi, cơ quan Ngoại viện Hoa Kỳ đã trang bị các trường Bách khoa Trung cấp, Kỹ thuật Vĩnh Long, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột; Tây Đức đã trang bị trường Kỹ thuật Cao Thắng; Tân Tây Lan trang bị trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; Úc Đại Lợi đang nghiên cứu trang bị trường Kỹ thuật Nha Trang.

Những con số ghi sau đây sẽ chứng tỏ sự quan trọng của các chương trình viện trợ cho ngành giáo dục kỹ thuật : 

 

TRƯỜNG KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - Viện trợ Mỹ

    -       Chi phí xây cất trang bị và đóng bàn ghế            :          32.247.000 Đồng VNCH

    -       Trị giá máy móc đã trang bị                                 :               149.630 USD
    -       Trị giá máy móc sẽ gửi tới                                   :                 83.800 USD

 

Trường Kỹ thuật Đà Nẵng

TRƯỜNG KỸ THUẬT VĨNH LONG - Viện trợ Mỹ

    -       Chi phí xây cất trang bị và đóng bàn ghế             :          25.216.000 Đồng VNCH

    -       Trị giá máy móc đã trang bị                                  :               144.704 USD
    -       Trị giá máy móc sẽ gửi tới                                    :                 57.800 USD

 

Trường Kỹ thuật Vĩnh Long

TRƯỜNG KỸ THUẬT QUI NHƠN - Viện trợ Mỹ

    -       Chi phí xây cất trang bị và đóng bàn ghế            :          25.992.000 Đồng VNCH

    -       Trị giá máy móc đã trang bị                                 :               105.473 USD
    -       Trị giá máy móc sẽ gửi tới                                   :                 99.200 USD

Trường Kỹ thuật Qui Nhơn

TRƯỜNG BÁCH CÔNG PHÚ THỌ - Viện trợ Mỹ

    -       Chi phí xây cất trang bị và đóng bàn ghế            :            6.000.000 Đồng VNCH

    -       Trị giá máy móc đã trang bị                                 :          14.000.000 Đồng VNCH
    -       Trị giá máy móc đã gửi tới                                   :               320.000 USD
    -       Trị giá máy móc sẽ gửi tới                                   :               169.500 USD

 

Cơ xưởng của trường Bách Công Phú Thọ

TRƯỜNG KỸ THUẬT CAO THẮNG - Viện trợ Tây Đức

    -       Trị giá máy móc đã trang bị                                 :            1.500.000 D.M.

         (Vào khoảng 27.000.000 Đồng VNCH)

L'école des Mécaniciens Asiatiques tiền thân của trường Kỹ thuật Cao Thắng

 TRƯỜNG KỸ THUẬT BAN MÊ THUỘT - Viện trợ Mỹ

    -       Chi phí xây cất trang bị và đóng bàn ghế            :          15.000.000 Đồng VNCH

          (Sẽ thực hiện trong những năm 1962 và 1963)
    -       Trị giá máy móc sẽ gửi tới                                   :                55.800 USD

Lễ khánh thành xưởng Ô tô của trường Kỹ thuật Ban Mê Thuột

3/ Soạn thảo chương trình học

Chương trình giảng dạy tại các trường Trung học Kỹ thuật nhằm hai mục đích :

    -       Tìm hiểu năng khiếu học sinh

    -       Làm phát triển năng khiếu ấy

Do đó, chương trình huấn luyện được phân chia làm hai thời kỳ rõ rệt :

    -       Thời kỳ hướng nghiệp

    -       Thời kỳ chuyên nghiệp

    a) Thời kỳ hướng nghiệp : kéo dài hai năm Đệ Thất và Đệ Lục kỹ thuật, về phần phổ thông, học sinh sẽ phải theo một chương trình giống hệt các trường phổ thông. Về phần kỹ thuật, học sinh luân chuyển các nghề : mộc, gò hàn, điện, nguội, máy dụng cụ, cơ khí. Mỗi tuần lễ học tất cả 34 giờ gồm có :

     -       4 giờ chuyên nghiệp
-       2 giờ vẽ kỹ nghệ
-       28 giờ phổ thông

    b) Thời kỳ chuyên nghiệp : cuối năm Đệ Lục, Hội đồng giáo sư căn cứ vào những thành quả của học sinh trong hai năm vừa qua, sẽ phân Ban cho học sinh vào các lớp Đệ Ngũ.

  • Ban Toán : Những học sinh có khả năng về Toán, Lý, Hóa sẽ theo học Ban Toán. Sau hai năm học Đệ Ngũ và Đệ Tứ, học sinh thi Trung học Kỹ thuật Ban Toán và lên lớp Đệ Tam nếu đủ điểm trung bình. Cuối năm Đệ Nhị học sinh thi Tú tài Kỹ thuật phần nhất và cuối năm Đệ Nhất học sinh thi Tú tài Kỹ thuật phần hai.
  • Ban Chuyên nghiệp : Những học sinh có khả năng về chuyên môn sẽ tùy theo năng khiếu của mình chọn một trong các ngành sau đây : mộc, gò hàn, điện, nguội, rèn, máy dụng cụ, cơ khí...Cuối năm Đệ Tứ, học sinh sẽ dự thi kỳ thi Trung học Kỹ thuật Đệ Nhất cấp ban Chuyên nghiệp và có thể dự kỳ thi tuyển vào năm thứ nhất của trường Bách khoa Trung cấp. Sau ba năm học tại trường này, học sinh sẽ dự thi kỳ thi mãn khóa và sẽ được cấp văn bằng Bách khoa Trung cấp.(Xem sơ đồ ngành học)
Máy móc triển lãm do học sinh trường Bách Công chế tạo trong kỳ thi tốt nghiệp

4/ Đào tạo nhân viên giáo huấn

Việc đào tạo nhân viên giáo huấn gồm có hai phần : Đào tạo trong nước và gới sinh viên đi tu nghiệp ngoại quốc.

    a)    Đào tạo nhân viên giáo huấn trong nước :

  • Một lớp sư phạm chuyên nghiệp cấp tốc đã được thiết lập tại trường Kỹ thuật Cao Thắng trong năm 1938-1939 để đào tạo các giáo viên tiểu học chuyên nghiệp. Ngoài ra, hàng năm trong vụ hè, Nha Kỹ thuật Học Vụ cho tổ chức các lớp tu nghiệp để các nhân viên giáo huấn có dịp trao đổi kinh nghiệp và học hỏi thêm.

    b)    Tu nghiệp :

  • Nha Kỹ thuật Học Vụ gởi 60 học viên đi tu nghiệp ngoại quốc về các ngành sau đây :

    -  Ngành giáo dục kỹ thuật  - Điện và điện tử
    -  Khoa học                          - Cơ khí xe hơi
    -  Kỹ nghệ họa                     - Đúc
    -  Gò; Hàn                            - Thương mại
    -  Nữ công gia chánh           - Quản trị học đường
    -  Máy dụng cụ                     - Mộc

  • Những nhân viên gửi đi, một số đã trở về nước và hiện đang phục vụ tại các trường mới thiết lập. Số còn lại sẽ về nay mai.

C.KẾ HOẠCH NGŨ NIÊN 1962-66 PHÁT TRIỂN NGÀNH HỌC KỸ THUẬT

Chương trình ngũ niên này nhằm mục đích sau đây :

  • Cải tổ hệ thống trường nghề tại những khu đông dân cư.
  • Cũng cố những trường Kỹ thuật hiện hữu.
  • Bành trướng trường Bách Công Phú Thọ.
  • Huấn luyện giáo chức.
  • Tăng cường ban Tu thư Dịch thuật và Ấn loát.

1/ Cải tổ những trường nghề hiện hữu

Hiện nay Việt Nam có 10 lớp nghề rải rác tại các Tỉnh và được trang bị bằng những máy móc và dụng cụ thô sơ đã phế thải tại các công sở. Những lớp nghề này lần lượt sẽ được thay thế bằng những trường Kỹ thuật. Những ngành không liên hệ đến sự phát triển kinh tế của địa phương sẽ phải bãi bỏ và thay bằng những ngành Tiểu công nghệ có ích lợi cho đời sống của dân chúng. Những lớp buổi tối cũng sẽ được mở thêm cho các tráng niên của địa phương đến trau dồi kiến thức chuyên môn, để có thể nâng cao mức sản xuất và đồng thời cải thiện đời sống của họ

2/ Cũng cố những trường Kỹ thuật hiện hữu

  • Thiết lập thêm một trường Kỹ thuật tại Sài Gòn để giải tỏa bớt số học sinh của các trường Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ.
  • Sửa chữa cơ xưởng của trường Cao Thắng để tiếp nhận Viện trợ Đức.
  • Sửa chữa cơ xưởng của trường Nguyễn Trường Tộ để tiếp nhận Viện trợ Tân Tây Lan.
  • Sửa chữa và xây cất cơ xưởng của trường Nha Trang để tiếp nhận Viện trợ Úc.

3/ Bành trướng trường Bách Công Phú Thọ

Trường này sẽ tiếp nhận trong năm sắp tới một số máy móc trị giá vào khoảng 160.000 Mỹ kim. Một phái đoàn giáo sư Huê Kỳ cũng đã tới để tăng cường nhân viên giáo huấn. Nhà trường còn tính mở thêm những Ban gồm : Đúc, Luyện kim, Điện tử, Nữ công Gia chánh...Để thực hiện chương  trình này, Viện trợ Mỹ sẽ cấp giúp 30.000.000 Đồng VNCH chia làm hai Đợt : Đợt đầu trị giá 14.000.000 Đồng trong năm 1962; Đợt thứ hai sẽ thực hiện trong năm 1963. Sau khi chương trình này thực hiện xong, ngành học chuyên nghiệp Việt Nam sẽ có một Trung tâm Kỹ thuật kiểu mẫu trang bị tối tân nhất Đông Nam Á.

Máy cưa lọng do học sinh sáng chế trong kỳ thi tốt nghiệp

4/ Huấn luyện giáo chức

Công việc khuếch trương ngành giáo dục kỹ thuật còn tùy thuộc chương trình đào tạo cán bộ. Một số sinh viên có văn bằng chuyên nghiệp và một số giáo viên đã được gửi đi tu nghiệp tại ngoại quốc như Đức, Hoa Kỳ, Pháp...nhưng những con số đó vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu thực sự.

Công việc thiết lập một cơ sở đào tạo Giáo sư lý thuyết và thực hành đã được coi như khẩn cấp trong giai đợn hiện tại. Để giảm bớt mọi chi phí, Bộ Quốc Gia Giáo Dục dự trù mở tại trường Bách Công trong niên học sắp tới 1 ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật. Ngoài ra để cải thiện trình độ của những giáo chức không quen với kỹ thuật tân tiến, 1 lớp tu nghiệp sẽ được thiết lập thường xuyên tại trường này.

Máy cưa mâm do học sinh trường Bách Công sáng chế trong kỳ thi ra trường

5/ Tăng cường Ban Tu thư Dịch thuật và Ấn loát

Để phổ biến những tài liệu dịch thuật có tính cách ích lợi cho sự phát triển của ngành công kỹ nghệ. Việc soạn thảo Danh từ Kỹ thuật, phiên dịch sách Giáo khoa Kỹ thuật, ấn loát Tài liệu Sư phạm, lập Thư viện cũng đều cần thiết cho đường lối giáo dục mới.

KẾT LUẬN

Công cuộc kỹ nghệ hóa của một quốc gia rất khó bề thực hiện, nếu trình độ chung của toàn dân không được nâng cao. Vì vậy, trong giai đoạn hiện tại, ngành giáo dục kỹ thuật phải có nhiệm vụ chính yếu là phổ biến những khái niệm kỹ thuật căn bản trong dân chúng, gây một không khí yêu chuộng kỹ thuật, và tạo một hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển của ngành công kỹ nghệ. Thanh thiếu niên phải làm quen với máy móc, học tháo ráp, học sử dụng; học lý luận với những cơ phận trước tiên đơn giản, rồi lần lần phức tạp; trong những điều kiện đó, khả năng sáng tác của cá nhân sẽ được phát huy, và sẽ dẫn tới sự canh tân hay những sự phát minh trong mọi địa hạt sản xuất. Mặt khác, với sự phổ biến kỹ thuật, trình độ chuyên môn của dân chúng sẽ được nâng cao, sự tổ chức công việc làm sẽ trở nên khoa học, sự sử dụng nguyên liệu và dụng cụ hợp lý, mức sản xuất vì vậy sẽ được gia tăng gấp bội.

Trong những năm qua, ngành giáo dục kỹ thuật Việt Nam nhờ sự phối hợp của nhiều chương trình ngoại viện đã tiến được một bước dài : một hệ thống trường sở được thiết lập tại những địa điểm quan trọng trong nước; nhiều cơ xưởng đã được trang bị bằng những máy móc tối tân, một Ban Tu Thư và Dịch thuật Ấn loát đã bắt đầu hoạt động; ngoài 80 giáo sư đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ và Đức Quốc; một Ban Cao Đẳng Sư Phạm sẽ được thiết lập nay mai; nhiều lớp buổi tối đã được tổ chức để phổ biến kỹ thuật; một vài trường đã bắt đầu sản xuất máy để trang bị các trường Tỉnh. Trong những năm sắp tới, mặc dầu nhiều trở ngại lớn lao gây ra bởi tình trạng bất an ninh của xứ sở, chúng ta có quyền tin tưởng rằng ngành học kỹ thuật sẽ còn được bành trướng rất mạnh mẽ, để phục vụ nhân dân một cách hữu hiệu hơn.

 *********


Biên tập theo : "Một bước tiến của ngành học kỹ thuật" do Phòng Ấn loát - Nha Kỹ Thuật Học Vụ - Xuất bản năm 1962 nhân Kỹ niệm Thành lập trường Kỹ thuật Đà Nẵng (15-9-1962). Cách hành văn dụng ngữ thông dụng trong thời kỳ 1962; Các quan điểm về chủ trương giáo dục đào tạo theo chế độ đương thời của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

No comments:

Post a Comment